Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế vừa đưa gần 20 hiện vật thuộc bộ cổ vật pháp lam và 8 bộ y phục cung đình do nghệ nhân Trịnh Bách (Việt kiều Mỹ) phục chế sang triển lãm tại Nhật Bản.
 |
Trang phục Long bào Xuân hạ Hoàng đế do Trịnh Bách phục dựng |
Những bộ trang phục này được ông Trịnh Bách cùng một số nghệ nhân dệt và thêu cao tuổi nghiên cứu tái tạo dựa trên những mẫu và chất liệu truyền thống từ những y phục, trang sức của triều đình Huế.
Trong một lần về Việt Nam để giúp Cục Nghệ thuật biểu diễn tập hợp một đoàn ca múa nhạc cổ truyền đi lưu diễn ở nước ngoài cách đây hơn 20 năm, ông Trịnh Bách nhận thấy ở Việt Nam có nhiều nghệ nhân tuổi đã cao còn nhớ và biết thêu những đường thêu hết sức tài ba. Họ là những người đã làm ra sản phẩm để cung tiến cho Triều đình nhà Nguyễn và nghề của họ vẫn được một số người kế tục.
Kể từ đó, ông bắt đầu nghiên cứu, đắm mình vào những khung dệt để khôi phục những giá trị truyền thống của dân tộc thông qua các trang phục cung đình.
Để có được những bộ y phục cung đình nói trên, ông đã cất công tìm gặp những người trong hoàng tộc nhà Nguyễn lưu lạc ở nước ngoài như hậu duệ của Gia Hưng Vương (con vua Thiệu Trị), bà cháu ngoại công chúa Mỹ Lương (con vua Dục Đức, chị vua Thành Thái) đã 80 tuổi để nghe họ nói về những tập tục và thể thức ăn mặc trong cung cấm và được xem những chiếc áo của hoàng thất nhà Nguyễn.
 |
Trịnh Bách tại triển lãm "Hành trình phục dựng hiện vật cung đình triều Nguyễn"
|
Bên cạnh việc nghiên cứu nhiều sách cổ kim nói tới lề nối ăn mặc cung đình, ông còn đến khảo sát thực tế các bộ trang phục của hoàng gia triều Nguyễn ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế.
Ông cũng đã tới nhiều bảo tàng nổi tiếng trên thế giới từ Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản để đối chiếu xem vua triều Nguyễn và vua xứ người trang phục khác nhau ra sao. Và ông phát hiện ra rằng, triều phục của triều đình Việt Nam có nhiều chi tiết tinh tế, khó dệt, khó thêu hơn.
Từ những tư liệu đó, cộng với kết quả nghiên cứu các mẫu trang phục cung đình, ông đã tổng hợp một cách hệ thống các thể chế quy định việc ăn mặc trong triều Nguyễn và một phần của nhà Lê rồi bắt tay vào việc tìm thợ để làm ra những hiện vật mang đi trưng bày tại Nhật ngày hôm nay.
Theo TTXVN
Viết phản hồi