 |
Voi lùn Borneo. |
Những con voi lùn tại bang Borneo của Malaysia vừa được công nhận là một tiểu loài mới sau khi các nhà khoa học tiến hành lấy mẫu và phân tích ADN từ phân của chúng. Voi lùn Borneo có kích cỡ nhỏ và thuần tính hơn so với họ hàng tại châu Á đại lục và Sumatra.
Mẫu phân được thụ thập trên khắp Borneo và chuyển tới Khoa sinh thái, tiến hoá và sinh học môi trường của ĐH Columbia, Mỹ, để đánh giá và so sánh với voi ở châu Á và Sumatra. Kết quả cho thấy voi Borneo bị cô lập với họ hàng của chúng tại những nơi khác ở châu Á cách đây khoảng 300.000 năm.
Trong suốt thời gian đó, chúng trở nên nhỏ hơn, tai lớn hơn, đuôi dài hơn và ngà thẳng hơn. Sự đặc biệt về di truyền làm chúng trở thành một trong những tiểu loài cần được ưu tiên bảo vệ hàng đầu. Stuart Chapman, Giám đốc Chương trình bảo vệ các loài của WWF, cho biết voi châu Á có nguy cơ tuyệt chủng cao gấp 10 lần so với voi châu Phi. Hiện chỉ còn khoảng 35.000 cá thể, phân bố tại 10 quốc gia.
Theo ước tính có khoảng 500-2.000 con voi Borneo. Chúng đã thích ứng với môi trường tự nhiên và có những đặc trưng độc nhất vô nhị. Do đó, voi lùn Borneo là một bộ phận cần thiết duy trì sự đa dạng của các loài tại châu Á. Tại Borneo, mối đe doạ chính đối với voi lùn là môi trường sống bị thu hẹp. Ngoài ra, khi con người tới gần, voi Borneo không tấn công và thường bỏ đi. Điều đó làm gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của chúng.
(Minh Sơn - Theo BBC)
|
Viết phản hồi